Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

LƯỢC SỬ TRIỀU ĐẠI NHÀ NGUYỄN


I- CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG
     Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (1600 - 1613). Truy tôn là Thái tổ Gia dụ Hoàng đế, đương thời gọi là Chúa Tiên.
     Ông Nguyễn Hoàng là con thứ hai của ông Nguyễn Kim, vào trấn đất Thuận Hóa và Quảng Nam lập ra nghiệp Chúa Nguyễn. Lấy đất của Chiêm Thành lập ra phủ Phú Yên. Mất năm Quí Sửu (1613), thọ 89 tuổi.
HỌ NGUYỄN XƯNG CHÚA Ở MIỀN NAM
     Ông Nguyễn Kim khởi nghĩa giúp nhà Lê đánh nhà Mạc lấy được đất Thanh- Nghệ rồi đem quân ra đánh Sơn Nam bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, binh quyền giao lại cho con rể là Trịnh Kiểm. Ông Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng làm tướng lập được nhiều công. Người anh là Nguyễn Uông được phong là Lang quận công, người em là Nguyễn Hoàng được phong là Thái úy Đoan quận công. Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền, bèn kiếm chuyện giết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm có ý ám hại, cho người ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông ấy bảo rằng: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", nghĩa là "Một dãy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn đời".
     Nguyễn Hoàng nói với chị ruột là bà Ngọc Bảo(Vợ của Trịnh Kiểm) xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía Nam. Năm Mậu Ngọ (1558) đời vua An Tông, Trịnh Kiểm tâu Vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Bấy giờ những người họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng những quân lính ở đất Thanh- Nghệ nhiều người đưa cả vợ con theo. Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã Ái Tử (sau gọi là kho Cây Khế), thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan lại có lòng nhân đức, thu dùng hào kiệt, yên ủi nhân dân nên lòng người ai cũng mến phục.
     Đến năm Kỷ Tỵ (1569) ông ra chầu vua ở An Tràng. Qua năm sau Trịnh Kiểm gọi quan tổng binh ở Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về giữ đất Nghệ An, cho ông vào trấn cả đất Thuận Hóa và Quảng Nam.
     Năm Nhâm Thân(1572) Trịnh Kiểm mất, con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc đem quân vào đánh Thanh Hóa, sai tướng là Lập Bạo đem quân và 60 chiếc thuyền theo đường biển kéo vào đóng ở làng Hồ Xá và làng Lạng Uyển (thuộc huyện Minh Linh) để đánh Nguyễn Hoàng. Ông sai một người con gái đẹp là Ngô thị giả làm cách đưa vàng bạc sang nói với Lập Bạo xin cầu hòa. Lập Bạo mừng rỡ, không cảnh giác, bị quân họ Nguyễn đánh lén, bắt được giết đi và đánh tan quân nhà Mạc.
     Năm Quí Tị (1593) Trịnh Tùng lấy được thành Thăng Long, bắt Mạc Mậu Hợp, nhưng đảng nhà Mạc còn nhiều, phải đánh dẹp nhiều nơi, Nguyễn Hoàng đưa quân ra Đông Đô, ở lại 8 năm giúp Trịnh Tùng đánh họ Mạc, lập được nhiều công to. Trịnh Tùng vẫn có ý ghen ghét không muốn cho ngài về Thuận Hóa, ngài cũng không có lý do gì về được. Năm Canh Tý (1600) các quan nhiều người không phục họ Trịnh; các ông Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm, Bùi Văn Khuê khởi binh chống lại họ Trịnh ở cửa Đại An (Nam Định), Nguyễn Hoàng đem tướng sĩ giả vờ nói đi đánh giặc, rồi theo đường biển về Thuận Hóa.
     Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa nhưng sợ họ Trịnh nghi ngờ, bèn đem người con gái là bà Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng là con trai Trịnh Tùng. Ngài ở giữ đất Thuận Hóa, cho người con thứ sáu vào trấn đất Quảng Nam dựng kho tàng, tích trữ lương thực.
     Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa, bề ngoài tuy vẫn chưa ra mặt chống với họ Trịnh, nhưng bên trong thì hết sức phòng bị. Năm Quý Sửu (1613), khi Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn rằng: "Đất Thuận, Quảng này bên bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để gây dựng cơ nghiệp muôn đời." Xem lời ấy thì biết họ Nguyễn đã có ý muốn độc lập để chống với họ Trịnh.
II- CHÚA SÃI NGUYỄN PHÚC NGUYÊN
     Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635). Truy tôn là Hi Tông Hiến văn Hoàng đế, còn gọi là chúa Sãi. Ngài là con thứ 6 của Chúa Nguyễn Hoàng, cải họ là Nguyễn Phúc. Ông Nguyễn Phúc Nguyên chống với họ Trịnh ở Quảng Bình. Mất năm Ất Hợi (1635), thọ 73 tuổi.
     Khi Trịnh Tùng mất, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên bảo các quan rằng: "Ta muốn nhân dịp này ra đánh họ Trịnh, nhưng hiềm vì công việc chưa xong, vậy thì hãy sai người ra phúng điếu, trước là cho phải cái nghĩa hôn nhân với nhau, sau là nhân thể xem tình ý ngoài Bắc thế nào."
     Bấy giờ ở miền Nam có những người tôi giỏi giúp rập như các ông Nguyễn Hữu Dật, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến đều là người có tài trí.
     Nguyễn Hữu Dật người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, học rộng, tài cao lại có tài hùng biện, đánh giặc giỏi, thật là một bậc văn võ kiêm toàn.
     Đào Duy Từ người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con nhà xướng hát nên không được đi thi, ông phẫn chí vào miền Nam tìm đường lập công nhưng chưa gặp được người tiến cử bèn vào ở chăn trâu cho nhà phú gia ở làng Tùng Châu, phủ Hoài Nhân (Bình Định). Ông làm bài "Ngọa Long Cương" để tự ví mình với ông Gia Cát Lượng. Sau có quan Khâm Lý là Trần Đức Hòa biết Duy Từ là người có tài, đem về nuôi và gả con gái cho, rồi đưa dâng chúa Sãi. Chúa dùng làm Nội tán, phong làm Lộc Khê Hầu.
     Nguyễn Hữu Tiến người làng Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa, võ nghệ tinh thông, dùng binh rất có kỷ luật, thật là một người làm tướng có tài. Những người ấy giúp chúa Nguyễn, bày mưu định kế, luyện tập quân lính, xây đồn đắp lũy để chống với quân họ Trịnh.
     Khi những đồn lũy đã kiên cố, binh lương đã đủ, chúa Sãi mới ra mặt không thần phục họ Trịnh nữa và sai tướng ra chiếm giữ lấy đất Nam Bố Chính phía nam sông Linh Giang để chống giữ. Từ đó họ Trịnh và họ Nguyễn đánh nhau trong khoảng 45 năm ở đất Quảng Bình, Hà Tĩnh. 
     1. Đánh nhau Lần thứ nhất.
     Năm Đinh Mão (1627) nhà Minh bên Tàu chống nhau với nhà Thanh, họ Mạc ở Cao Bằng về hàng, Trịnh Tráng sai quan vào Thuận Hóa giả tiếng nhà Vua sai vào đòi tiền thuế. Chúa Sãi tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu và lấy 30 con voi, 30 chiếc thuyền đưa đi cống nhà Minh. Chúa Sãi không chịu. Trịnh Tráng bèn quyết ý đánh họ Nguyễn, sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5.000 quân vào đóng ở xã Hà Trung (Cầu Doanh), rồi đem đại binh, rước vua Lê đi đánh Chúa Nguyễn.
     Chúa Sãi sai cháu Nguyễn Phúc Vệ làm tiết chế cùng với Nguyễn Hữu Dật đem quân ra giữ các nơi hiểm yếu. Quân họ Trịnh đến đánh, chết hại rất nhiều. Nguyễn Hữu Dật lại dùng kế, sai người phao tin ở ngoài Bắc có Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp làm loạn. Trịnh Tráng nghe tin ấy sinh nghi, bèn rước Vua và rút quân về Bắc. 
     2. Đánh nhau Lần thứ hai.
     Năm Canh Ngọ (1630) chúa Sãi nghe lời Đào Duy Từ, sai người đem sắc dụ ra trả vua Lê, rồi sai tướng đánh lấy phía nam sông Linh Giang. Đến năm Quý Dậu (1633) nhân khi chúa Sãi có người con thứ ba tên là Ánh, trấn thủ đất Quảng Nam, có ý muốn tranh quyền, sai người đưa thư ra Thăng Long xin chúa Trịnh đem quân vào đánh, quân ông sẽ làm nội ứng. Ánh xin chúa Sãi cho ra trấn thủ đất Quảng Bình để tiện thực hiện mưu gian, nhưng chúa Sãi có lòng nghi ngờ không cho. Khi Trịnh Tráng được thư của ngươi Ánh, đem đại binh vào đóng ở cửa Nhật Lệ (cửa Đồng Hới). Chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Hữu Dật đem quân ra chống giữ. Quân họ Trịnh đến đợi hơn 10 ngày, không thấy tin tức gì của ngươi Ánh, bèn lui quân để chờ. Quân lính đợi lâu thành ra lười biếng, quân họ Nguyễn mới ra đánh đuổi. Trịnh Tráng thấy sự không thành, rút quân về.
III- CHÚA THƯỢNG NGUYỄN PHÚC LAN
     Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). Truy tôn là Thần tông Hiếu chiêu Hoàng đế, đương thời gọi là chúa Thượng. Ông Nguyễn Phúc Lan là con thứ hai chúa Sãi, đánh nhau với họ Trịnh ở Quảng Bình. Ông Nguyễn Phúc Lan mất năm Mậu Tí (1648), thọ 48 tuổi. 
     3. Đánh nhau Lần thứ ba.
     Năm Ất Hợi (1635) Chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên mất, con là Nguyễn Phúc Lan lên nối nghiệp Chúa, gọi là Chúa Thượng. Ngươi Ánh ở Quảng Nam nghe tin Chúa Sãi mất, anh lên nối nghiệp, bèn phát binh làm phản. Bấy giờ có Nguyễn Phúc Khê giúp Chúa Thượng, sai quân vào đánh bắt được ngươi Ánh, lấy nghĩa "Anh em là tình riêng, phép nước là nghĩa lớn" đem giết đi.
     Trịnh Tráng thấy anh em họ Nguyễn tranh nhau, sai tướng vào đánh đất Nam Bố Chính, giết được tướng họ Nguyễn là Bùi Công Thắng rồi đóng ở cửa Nhật Lệ. Năm Quý Tị (1643) Trịnh Tráng đem đại binh và rước vua Lê vào đất Bắc Bố Chính, nhưng bấy giờ đang tiết tháng tư, khí trời nóng nực, quân sĩ đau ốm chết rất nhiều, Trịnh Tráng phải rút quân về Bắc. 
     4. Đánh nhau Lần thứ tư.
     Năm Mậu Tí (1648) Trịnh Tráng sai đô đốc Tiến Quận Công Lê Văn Hiểu đem quân thủy bộ vào đánh miền Nam; bộ binh đóng ở đất Nam Bố Chính, thủy quân vào đánh cửa Nhật Lệ. Hai cha con Trương Phúc Phấn cố sức giữ lũy Trường Dục, quân họ Trịnh đánh mãi không tiến lên được. Chúa Nguyễn sai con là Nguyễn Phúc Tần đem binh ra chống giữ với họ Trịnh, khi ra đến Quảng Bình, Nguyễn Phúc Tần hội các tướng bàn rằng: "Quân kia tuy nhiều, nhưng người đánh giỏi thì ít. Nếu đến đêm, ta cho voi xông vào rồi đem đại quân đến đánh là chắc phá được". Đoạn rồi, một mặt cho thủy quân đi phục sẳn ở sông Cẩm La để chặn đường quân Trịnh chạy về; một mặt sai Nguyễn Hữu Tiến đem 100 thớt voi đến canh năm xông vào trại quân Trịnh, quân bộ tiếp sau vào đánh phá. Quả nhiên quân Trịnh thua to chạy về Bắc, lại gặp quân thủy của họ Nguyễn đuổi đánh mãi đến sông Lam Giang mới thôi. Trận ấy quân họ Nguyễn bắt được mấy tướng và 3.000 quân của họ Trịnh. Trịnh Tráng thấy quân mình thua, sai Lê Văn Hiểu cùng Trần Ngọc Hậu lĩnh một vạn quân đóng ở Hà Trung, Lê Hữu Đức cùng Vũ Lương đóng ở Hoàng Sơn, Phạm Tất Toàn đóng ở Bắc Bố Chính để phòng giữ quân họ Nguyễn.
     Bấy giờ trong Nam Chúa Thượng mất, truyền lại cho con là Nguyễn Phúc Tần, gọi là chúa Hiền. Ở ngoài Bắc thì vua Chân Tông mất, không có con, Trịnh Tráng rước Thần Tông Thái Thượng hoàng về làm vua lần nữa.
     Họ Trịnh vào đánh họ Nguyễn đã mấy phen, càng đánh càng hao binh tổn tướng, thế mà vẫn không chịu thôi việc chiến tranh. Đến năm Ất Tị (1655) quân nhà Trịnh lại vào đánh Nam Bố Chính. Bấy giờ chúa Hiền mới quyết ý đem quân ra đánh họ Trịnh. 


IconIconIconIconFollow Me on Pinterest