Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC

Sơ đồ làng địa đạo Vinh Mốc
     Địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là một làng nhỏ nằm sát biển Cửa Tùng. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 chia cắt hai miền Nam- Bắc, huyện Vĩnh Linh trở thành một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh. Những năm 1960, Mỹ- ngụy tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc thì Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa và mệnh danh là Lũy thép thành đồng. Trong những năm chiến tranh, đặc khu Vĩnh Linh, nay là huyện Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị đã phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn từ máy bay, tàu chiến và pháo từ bờ nam bắn sang, số liệu ước tính mỗi người dân Vĩnh Linh phải chịu đựng bình quân 7 tấn bom Mỹ. 
Cổng chào đầu làng địa đạo
     Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt như vậy nhưng con người Vĩnh Linh vẫn phải sống và ngoan cường chiến đấu giữ gìn mảnh đất quê hương. Hàng ngàn học sinh, trẻ em được tổ chức sơ tán ra các tỉnh miền bắc và những người ở lại vừa tìm cách tránh bom đạn vừa chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ và địa đạo Vịnh Mốc đã ra đời trong điều kiện như thế.
 
Cửa hầm địa đạo(phục chế)
     Công trình địa đạo Vịnh Mốc được đào từ đầu năm 1965 và hoàn thành vào đầu năm 1967 sau 2 năm vừa bám trụ chiến đấu vừa đào địa đạo. Ông Lê Xuân Vy nguyên là Trường đồn Công an vũ trang giới tuyến đã chỉ huy đơn vị và nhân dân trực tiếp đào địa đạo bằng những phương tiện thô sơ như cuốc, cúp, xẻng, xe cút kit cải tiến, quang gánh...và định vị thủ công bằng chiếc la bàn đơn giản để xác định hướng. Tổng cộng đã có 18 ngàn ngày công huy động để hoàn thành địa đạo với tổng chiều dài trục chính của 3 đường hầm gần 2 cây số. (Ông Lê Xuân Vy nay về hưu ở phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị với hàm Trung tá nhưng tuổi cao, già yếu và bệnh tật).   
Trong lòng địa đạo
     Cấu trúc địa đạo gồm có 3 đường(tầng) ở 3 độ sâu khác nhau, tầng trên cùng nằm sâu cách mặt đất chừng 12-14 mét dùng làm nơi ở bằng cách khoét sâu vào hai bên trục hầm chính để làm nơi ở, mỗi hầm cho một gia đình. Tầng 2 cách tầng 1 khoảng 4- 5 mét là nơi đặt trụ sở chỉ huy và tầng 3 đặt kho tàng hậu cần cung cấp cho sinh hoạt của nhân dân và hàng hóa chi viện cho đảo Cồn Cỏ cách đất liền chừng 50km. Trong lòng địa đạo có cả hội trường, bệnh xá, nhà trẻ, bếp, giếng nước...Đại đạo có tất cả 13 cửa thông ra ngoài trong đó có 7 cửa thông ra biển và 6 cửa thông lên đồi. Do cấu trúc địa chất khu vực này là vùng đất đỏ ba-zan nên hiện tượng ngấm nước sụt lún không xẩy ra, hơn nữa tầng dưới cùng sâu khoảng 23 mét nhưng vẫn còn cách mực nước biển 3 mét nên mùa mưa bão không ảnh hưởng đến hoạt động của những người sống trong lòng địa đạo.    


IconIconIconIconFollow Me on Pinterest