Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

ĐÔI BỜ GIỚI TUYẾN

GIỚI TUYẾN TẠM THỜI
SÔNG BẾN HẢI
     Khách bộ hành ra Bắc vào Nam theo đường Quốc lộ 1A xin dừng chân ghé lại thăm di tích đôi bờ Hiền Lương, đó là cụm di tích cầu Hiền Lương- sông Bến Hải một thời là giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam Bắc. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng cho khát vọng hòa bình thống nhất của đồng bào hai miền Nam- Bắc.
Sông Bến Hải - Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ bắc


     Sông Bến Hải bắt nguồn từ vùng rừng núi động Chan của dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây huyện Vĩnh Linh, hình thành từ những con khe, con suối ngoằn ngoèo chảy về xuôi, đoạn thượng nguồn có tên là Rào Thanh, chảy về đồng bằng theo hướng Tây- Đông đổ ra biển cửa Tùng. Về vị trí địa lý sông Bến Hải nằm ở vĩ tuyến 17 và là ranh giới của huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị.  


    Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, thời xa xưa sông Bến Hải có tên là Minh Lương, vì kị húy tên của Vua Minh Mạng nên đổi lại thành Bến Hói, (tiếng địa phương miền Trung gọi "rào" ở thượng nguồn và "hói" ở đồng bằng) để chỉ những dòng sông nhỏ và không biết thời nào dòng sông này lại được gọi chệch đi là sông Bến Hải cho đến ngày nay. Cũng như vậy, địa danh tổng Minh Linh (tên hành chính vùng Vĩnh Linh và Gio Linh ngày xưa) cũng được đổi thành huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh bây giờ.

Sông Bến Hải- Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Nam



CẦU HIỀN LƯƠNG
     Cây cầu Hiền Lương đầu tiên bằng gỗ lim được nhân dân phủ Vĩnh Linh đóng góp công sức tiền của xây dựng vào khoảng năm 1927- 1928 chỉ dành cho người đi bộ qua lại. Trong những năm 1931 và năm 1943, quân Pháp cho nâng cấp cầu cho xe cộ loại nhỏ đi lại được. Năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp cho xây dựng cầu kiên cố bằng bê tông cốt thép với trọng tải 10 tấn cho ô-tô qua lại nhưng chỉ tồn tại được 2 năm do du kích đánh sập để ngăn chặn đường vận chuyển quân sự của quân Pháp. 

     Năm 1952, quân Pháp xây dựng lại cầu với qui mô lớn hơn chịu tải trọng gần 20 tấn, trụ bằng bê-tông cốt thép, dầm cầu bằng sắt, mặt cầu lát gỗ. Cây cầu này tồn tại 15 năm và là chứng tích một thời chia cắt ranh giới hai miền. Đến năm 1967 thì cây cầu này bị bom Mỹ đánh sập.

     Năm 1972, Quảng Trị được giải phóng, do chưa có điều kiện xây cầu nhưng để phục vụ việc đi lại và chi viện cho chiến trường, bộ đội công binh đã bắc cầu phao qua sông Bến Hải. Năm 1973, cầu Hiền Lương với dầm và khung cầu bằng thép rộng 9 mét, hai bên có hành lang cho người đi bộ được xây dựng. Đến năm 1996, Bộ Giao thông vận tải xây dựng cầu phía trên thượng lưu cầu sắt bằng công nghệ đúc đẩy hiện đại lần đầu tiên áp dung tại Việt Nam, đó là cây cầu hiện nay đang sử dụng.

     Năm 2001, cây cầu sắt quân Pháp xây dựng năm 1952- một chứng tích chia cắt hai miền Nam- Bắc do bom Mỹ đánh sập năm 1967 đã được phục chế xây dựng lại nguyên bản phía hạ lưu của cây cầu hiện đại, khung cầu bằng thép, mặt cầu lát ván gỗ lim, cầu được sơn màu ghi. Năm 2013, cầu được sơn hai nửa hai màu xanh và màu vàng như hiện nay. 

HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ CHIA CẮT ĐẤT NƯỚC
     Ngày 07/5/1954, sau 9 năm kháng chiến trường kì hy sinh gian khổ, dân tộc ta đã viết nên trang sử vàng chói lọi bằng chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ rút quân trao trả nền độc lập cho Việt Nam sau hơn 100 năm đô hộ đồng thời lấy vĩ tuyến 17- sông Bến Hải, cầu Hiền Lương làm giới tuyến tạm thời cắt chia hai miền Nam- Bắc. 
     Hiệp định ký ngày 20/7/1954 và có hiệu lực trong 2 năm để năm 1956 hai miền Nam- Bắc sẽ tổ chức Tổng tuyển cử. Theo Hiệp định, quân đội miền Bắc rút về miền Bắc, quân đội Việt Nam cộng hòa rút về miền Nam. Cầu Hiền Lương- sông Bến Hải là giới tuyến tạm thời đã chứng kiến biết bao nhiêu cuộc chia ly con xa cha, vợ xa chồng đầy khổ đau và nước mắt. Cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc hẹn hai năm quay trở về với gia đình với quê hương nhưng phải đến hơn 20 năm sau điều mong ước đó mới thực hiện được. Năm 1956, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm không đồng ý tham gia tổ chức Tổng tuyển cử, vì nếu tham gia chắc chắn ông ta sẽ không được nhân dân đồng tình ủng hộ. 

ỦY BAN LIÊN HỢP VÀ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH
     Theo Hiệp định kí kết, hai bên VNDCCH và VNCH tổ chức thực thi Hiệp định dưới sự giám sát của Ủy ban Liên hợp. Theo đó, hai bên lập đường ranh giới là chia đôi dòng sông Bến Hải kéo dài từ Cửa Tùng đến biên giới Việt- Lào. Khu phi quân sự được qui định từ đường ranh giới rộng 5 km mỗi bên và có định sẵn mốc giới. Để giám sát, mỗi bên được thành lập 2 đồn với quân số mỗi đồn không quá 10 người, miền Bắc thành lập đồn Hiền Lương và đồn Cửa Tùng, miền Nam thành lập đồn Xuân Hòa và đồn Cát Sơn, nhân sự phía bên ta bố trí lực lượng Công an vũ trang(Nay là Bộ đội biên phòng) đảm nhiệm, phía bờ nam VNCH giao cho lực lượng cảnh sát. Nhiệm vụ của các đồn phối hợp quản lý khu vực giới tuyến, giám sát việc đi lại của nhân dân hai bờ giới tuyến. Theo qui chế của Hiệp định, dọc đường giới tuyến có 10 chổ qua lại đôi bờ Bến Hải: Cửa Tùng- Cát Sơn; Tùng Luật- Xuân Mỵ; Phước Lý- Bạch Lộc; Chòi- Xuân Long; Hiền Lương- Xuân Hòa; Huỳnh Thượng- Võ Xá; Tiên An- Kinh Môn; Minh Hương- Hói Cụ; Bến Tắt- Cấm Sơn. 
Hình ảnh mô phỏng một buổi giao ban của hai phía 
     Hàng tháng, vào ngày chẵn, tổ miền Bắc gồm 3 chiến sỹ qua cầu sang bờ nam và ngày lẻ tổ miền Nam gồm 3 cảnh sát sang bờ bắc luân phiên trao đổi công tác. Có khi không khí làm việc cũng nhẹ nhàng hòa nhã nhưng cũng có khi hai bên ai cũng đưa ra lý lẽ của mình để đấu tranh quyết liệt thậm chí tranh chấp từng ly từng tí về hành động, lời ăn tiếng nói...

ĐẤU TRANH VÌ LÁ CỜ TỔ QUỐC 
     Theo qui định của Hiệp định, hàng ngày hai bên Bắc- Nam giới tuyến phải treo Quốc kì của Quốc gia mình và trong việc này cũng xẩy ra cuộc đấu đầy thú vị.

     Thời kì đầu cột cờ bờ bắc được làm bằng cây phi lao cao 12 mét trên đỉnh treo cờ đỏ sao vàng rộng 3,2 x 4,8 mét(diện tích 15,4 mét vuông). Bên bờ nam, VNCH cho treo cờ trên nóc lô-cốt Xuân Hòa cao 15 mét. Thể theo nguyện vọng của quân và dân khu vực giới tuyến, cờ của ta không thể thấp và nhỏ hơn cờ của địch nên các chiến sỹ đồn Công an vũ trang Hiền Lương đã cho dựng cột cờ bằng gỗ cao 18 mét, treo lá cờ rộng 24 mét vuông.

     Thấy cờ của ta cao hơn, phía VNCH cho xây trụ cờ bằng bê-tông cốt thép cao 30 mét thay cho cột cờ treo trên nóc lô cốt Xuân Hòa.
     Năm 1957, quân ta lắp cột cờ cao 34,5 mét bằng ống thép, trên đỉnh có ngôi sao bằng đồng gắn đèn 500W ở các cạnh ngôi sao, lá cờ rộng 108 mét vuông. Bên bờ Nam, VNCH lại nâng cấp cột cờ cao 35 mét.

     Năm 1962, miền Bắc lại lắp nối thêm cột cờ cao 38,6 mét, treo lá cờ diện tích 134 mét vuông, nặng 15kg, cách đỉnh 10 mét có cabin để chiến sĩ đứng treo và thu cờ.


Ngôi sao trên đỉnh cột cờ ống thép
     Năm 1967, không quân VNCH (trong đó có cả tướng Nguyễn Cao Kỳ tự lái máy bay) bắn phá ác liệt, đánh sập cầu Hiền Lương và ném bom bắn pháo làm cột cờ bị gãy đổ. Tuy vậy nhưng ngày hôm sau lá cờ Tổ quốc lại tung bay trên cột cờ dựng tạm biểu thị cho ý chí kiên cường của quân và dân miền Bắc.

Người mẹ vá cờ- Mẹ Nguyễn Thị Diệm(Người phụ nữ bên trái)
     Tổng cộng trong thời gian bảo vệ giới tuyến, đồn Công an vũ trang Hiền Lương đã thay 267 lá cờ cỡ lớn, sau 1967 do cột cờ bằng thép bị gãy các chiến sỹ đồn Hiền Lương 11 lần thay cột cờ bằng gỗ cao 12- 18 mét, 42 lần lá cờ Tổ quốc bị máy bay VNCH bắn rách, bắn cháy. Phần lá cờ bằng vải xa-tanh thời gian đầu may sẵn chuyển từ Hà Nội vào nhưng thời kì sau Trung ương cấp tiền cho Vĩnh Linh may, cờ khổ rộng nên mỗi lần bị bom đạn xé rách gặp gió to càng rách hơn nên phải vá lại cờ, mẹ Nguyễn Thị Diệm là người được giao nhiệm vụ vinh dự đó.
     Mặc dù chiến tranh ác liệt như vậy nhưng hàng ngày các chiến sỹ Công an vũ trang đồn Hiền Lương vẫn luôn giữ cho lá cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời giới tuyến.  

"CUỘC CHIẾN" SƠN CẦU
     Cây cầu này là cây cầu do quân Pháp xây dựng từ năm 1952 với trụ cầu bằng bê-tông cốt thép, cầu có 7 nhịp dài 178 mét, rộng 4 mét, dầm cầu và thanh chắn bằng thép, mặt cầu lát bằng ván gỗ tim, táu. Cầu được chia làm 2 phần bằng nhau mỗi bên dài 89 mét có vạch trắng phân cách ở giữa. Ván lát mặt cầu gồm 894 tấm, phía Bắc có 450 tấm, phía Nam có 444 tấm. Cầu tồn tại được 15 năm, đến năm 1967 thì không quân, pháo hạm tập trung đánh phá khu vực đồn Hiền Lương, cây cầu lịch sử và cột cờ đều bị đánh sập.


     Thực tế thì không có cuộc chiến nào trong việc sơn cầu cả, đơn giản là cầu bằng sắt nên để chống gỉ thì sơn cầu là việc bình thường nhưng điều đáng nói là phía VNCH muốn cho hai bên của cây cầu phải có hai màu phân biệt, còn bên ta thì sơn màu cho hai phần cầu giống nhau với khát vọng không chia cắt.
     Khi người Pháp xây cầu màu sơn nguyên bản là màu ghi thép. Khi phía VNCH sơn lại cầu màu xanh, ta cũng sơn phần nửa cầu phía bắc màu sơn giống như vậy. Do việc phía VNCH luôn luôn muốn màu của cây cầu chia làm hai màu phân biệt, bên ta muốn cầu có chung một màu nên "cuộc chiến" sơn cầu xảy ra và màu cây cầu được thay đổi liên tục. Bầy giờ cây cầu Hiền Lương phục chế lại được sơn nửa màu xanh, nửa màu vàng là để nhắc đến "cuộc chiến" này.

      "CUỘC CHIẾN" ÂM THANH
     Cũng như "cuộc chiến" sơn cầu, "cuộc chiến" cột cờ...ở đồn Công an vũ trang Hiền Lương còn có "cuộc chiến" âm thanh. Phải nói thời kì đó công tác tuyên truyền đóng vai trò cực kì quan trọng. Phía bờ nam VNCH đặt loa công suất lớn tuyên truyền nói xấu miền Bắc XHCN thì bờ bắc chúng ta cũng phải tuyên truyền đáp trả.

     Để phục vụ công tác tuyên truyền bên ta cho xây dựng bên bờ bắc 5 cụm loa, mỗi cụm có 24 loa công suất 25W trên chiều dài 1,5km. Quy mô như vậy nhưng cũng không thể át được tiếng loa công suất lớn của địch từ bờ nam. Do vậy nên quân ta quyết định tăng cường thêm 8 loa công suất 50W và 01 loa công suất 250W do Liên Xô viện trợ. Ngược lại phía VNCH cho lắp dàn loa hiện đại do Mỹ viện trợ với công suất rất lớn, có thể làm "vở cửa kính" hoặc vang xa tận Quảng Bình như lời tuyên truyền của phía VNCH.

     Để đáp trả, bên ta cũng lắp thêm 01 loa công suất 500W hình loa kèn, đường kính vành loa 1,7 mét (hiện nay còn trưng bày tại bảo tàng cạnh cầu Hiền Lương) và bổ sung thêm 4 loa 250W, tiếng loa vang xa hơn 10km. Cả hai bên thi nhau nâng cấp hệ thống loa nhằm át tiếng nói của nhau kéo dài liền mấy năm trời và điều đáng tự hào là trong điều kiện khó khăn gian khổ như vậy nhưng tiếng nói chính nghĩa của Đảng, của miền Bắc ngày ngày vẫn đến với bà con miền Nam vùng giới tuyến.   
CỤM DI TÍCH HIÊN LƯƠNG
     Tháng 12 năm 1986, cụm Di tích đôi bờ Hiền Lương được Nhà nước xếp hạng được xếp hạng cấp Quốc gia. Cụm di tích Hiền Lương- Bến Hải gồm cầu Hiền Lương phục chế, khu nhà của đồn Công an vũ trang gồm 3 nhà phục chế, cụm tượng đài, lô cốt phía bờ nam và nhà trưng bày.



     Ngày 30/4/2015, nhân Lễ hội thông nhất non sông kỉ niệm 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, đồng chí Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam- Trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương, nguyên là một chiến sỹ tham gia chiến đấu trong 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị đã vinh dự thay mặt Đảng và Nhà nước trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt
    LỄ HỘI THỐNG NHẤT NON SÔNG
     Năm 2010, nhân kỉ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thông nhất đất nước, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông với quy mô quốc gia. 
     Chương trình của Lễ hội được tổ chức khá quy mô hoành tráng. Mở đầu là chương trình văn nghệ "Bài ca Thống nhất", tiếp theo là phần lễ quan trọng: Lễ thượng cờ thống nhất non sông, lá cờ đại từ từ được kéo lên trong tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng. Phần diễn văn của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Trung ương ôn lại thời kì đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của quân và dân ta mới có ngày độc lập thống nhất non sông, đất nước liền một dãi.
     Trong những ngày Lễ hội, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hội trại tại cụm di tích lịch sử, ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch tổ chức hội đua thuyền truyền thống. Buổi tối tại cụm di tích đôi bờ Hiền lương có tổ chức chương trình văn nghệ và bắn pháo hoa chào mừng Lễ hội. Đây là Lễ hội được tổ chức thường niên nhân ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4 và 01/5 hàng năm.
                         
                                                                                            Bài và ảnh: Sưu tầm

0 nhận xét :

Đăng nhận xét


IconIconIconIconFollow Me on Pinterest