Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

ĐÔNG HÀ- THÀNH PHỐ TÔI YÊU


    ĐÔI NÉT VỀ THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ
    Thành phố Đông Hà là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Hiện nay thành phố có diện tích khoảng 75km vuông với dân số khoảng 110.000 người, được chia thành 9 phường: Phường 1, 2, 3, 4, 5, Đông Lương, Đông Lễ, Đông Thanh và Đông Giang. 
     Vị trí địa lý: Đông Hà nằm ở khoảng 16 vĩ độ bắc, 107 kinh độ đông, phía Tây giáp huyện Cam Lộ, phía Nam giáp huyện Triệu Phong, phía bắc giáp huyện Gio Linh, phía đông giáp một phần huyện Gio Linh và một phần huyện Triệu Phong.
      
Công viên Lê Duẩn

     Về giao thương: Đông Hà nằm ở quốc lộ I vị trí trung độ Bắc- Nam của nước ta, cách Hà Nội khoảng hơn 600km và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.100km. Từ Đông Hà đi Đồng Hới tỉnh lỵ của Quảng Bình 100km và thành phố Huế tỉnh lỵ của Thừa Thiên- Huế hơn 70km. Đặc biệt, Đông Hà có đường quốc lộ số 9 đến Lao Bảo 80km nối thông thương với nước bạn Lào và Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo- Đen Xa vẳn sang cửa khẩu Mục-đa-hản của Thái Lan. Phía đông cách Cửa Việt 15km có cảng biển và bãi biển Cửa Việt nối với bãi biển Cửa Tùng là tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch của Quảng Trị. 

Trung tâm Văn hóa TP Đông Hà ngày lễ hội

.
Đông Hà đổi mới từng ngày 

Khách sạn Mường Thanh- Quảng Trị

Khách sạn Sài Gòn- Đông Hà tọa lạc bên dòng Hiếu Giang

     Theo sách Phủ biên tạp lục của cụ Lê Quý Đôn thì vào cuối thế kỉ XVII và đầu thế kỉ XVIII Đông Hà vốn là một làng nhỏ vắng vẻ có tên gọi là làng Đồng Hà vẻn vẹn hơn một ngàn dân hầu hết là di cư từ một số tỉnh phía bắc vào theo các cuộc chinh chiến, do vậy mà hiện nay gia phả nhiều dòng họ còn lưu giữ được gốc gác dòng họ mình di cư từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào lập nghiệp. Nghe kể rằng xưa làng Đông Hà phía tây là rừng rậm nguyên sinh, phía đông là bãi bồi và đầm lầy.

Mặt tiền chợ Đông Hà

     Thời Pháp thuộc, khi thực dân Pháp mộ phu mở đường lên Lào cho ô-tô vận chuyển tài nguyên hàng hóa từ Lào về thì Đông Hà là nơi có ga xe lửa để trung chuyển hàng hóa theo đường sắt tập kết ra cảng Hải Phòng sau đó vận chuyển bằng đường biển về Pháp. Trong những nhà tư bản thực hiện công việc này có ông Manpouech nguyên là Công sứ của Pháp vùng Xavannakhet- Lào đã từ chức Công sứ để theo nghiệp kinh doanh.  

Chợ Đông Hà nhìn từ công viên Lê Duẩn

     Khi Vua Hàm Nghi tập hợp lực lượng những người trong Triều đình chống Pháp đã kéo quân ra xây căn cứ Tân Sở ở Quảng Trị cũng theo con đường này. Căn cứ Tân Sở hiện nay là địa bàn vùng Cùa gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa. Thành Tân Sở theo thời gian và chiến tranh không còn lưu giữ được nhưng hiện nay vẫn còn vết tích có thể hình dung vóc dáng của thành Tân Sở xưa.


     Trong kháng chiến chống Mỹ, khi sông Bến Hải và cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam- Bắc thì Đông Hà trở thành bàn đạp, là căn cứ quân sự quan trọng của Việt Nam Cộng hòa. Thời đó Đông Hà là đô thị tuy nhỏ nhưng thực sự là căn cứ rất quan trọng vì là đô thị tập trung duy nhất trong vùng chỉ cách giới tuyến chưa đến 30km và khống chế đường số 9 sang Lào, cảng biển Cửa Việt. Nơi đây có sân bay, cảng quân sự để cung cấp vũ khí và quân dụng cho toàn bộ khu vực phía bắc Quảng Trị. Với vị trí quan trọng như vậy nên chính quyền Sài Gòn đã tập trung thành lập ở đây một căn cứ quân sự tầm cỡ lớn nhất vùng Quảng Trị- Thừa Thiên với các loại vũ khí hạng nặng tối tân và tuyến phòng thủ kiên cố.   

.

     Năm 1972, với sức tấn công như vũ bão của các lực lượng vũ trang, Đông Hà đã được giải phóng vào ngày 28/4/1972.
      Sau ngày giải phóng, Đông Hà là bãi chiến trường hoang tàn đổ nát, chỉ còn sót lại nhà thị chính Đông Hà và một số ngôi nhà 2 tầng của dân gần sát chợ Đông Hà. Tuy Đông Hà đã được giải phóng nhưng Thành cổ Quảng Trị chỉ cách Đông Hà hơn 10 km đã xẩy cuộc đụng đầu lịch sử với 81 ngày đêm hào hùng và oanh liệt đã mãi mãi đi vào trang sử vàng của lịch sử của dân tộc.


     Năm 1976, với chủ trương sáp nhập 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên thành tỉnh Bình- Trị- Thiên lấy thành phố Huế làm tỉnh lỵ thì Đông Hà là thị xã với dân cư thưa thớt, đường nhựa chỉ có đoạn quốc lộ 1A và đường 9 đoạn qua thị xã còn tất cả là đường đất. Giai đoạn này, thị xã cắt một phần địa giới ở các xã vùng ven để sáp nhập vào huyện Bến Hải. Năm 1989, 3 tỉnh Bình- Trị- Thiên lại chi tách, Đông Hà trở thành thị xã tỉnh lị của Quảng Trị. 
Chợ Đông Hà nhìn từ phía bắc- Trên bến dưới thuyền



Dân dã với hiện đại song trùng


ĐÔNG HÀ XƯA
     Thị xã Đông Hà thời chiến tranh vốn là một trung tâm quan trọng của Quảng Trị và vai trò chủ yếu là nơi tập kết những khí tài quân dụng phục vụ cho chiến trường. Nơi đây có cảng đường sông Đông Hà vận chuyển vũ khí quân dụng từ biển lên, có sân bay quân sự, sân bay dã chiến...Sau 1972, Đông Hà còn sót lại một dãy nhà 2 tầng, lô cốt và ngôi nhà làm việc gần chợ Đông Hà hiện nay. 
     Những bức ảnh sau đây giới thiệu phần nào về hình ảnh thị xã Đông Hà những năm 1960- 1970 của thế kỉ trước, ảnh sưu tầm qua mạng Internet.




     Lô- cốt Đông Hà- Biểu tượng một thời của thị xã. Gọi là biểu tượng không phải vì nó đẹp mà ý nghĩa lịch sử của nó. Lô- cốt được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nơi đây nguyên là nhà ga đường sắt Đông Hà và công năng của nó đầu tiên là tháp nước để cung cấp nước cho các đoàn tàu dừng lại nhà ga. Sau này lại thêm chức năng lô-cốt án ngữ đường bộ (đường số 9) và đường thủy từ phía cảng Đông Hà. Năm 1973, Thủ tướng Cu- Ba Phi- đen Caxtro sang thăm vùng giải phóng đã tò mò trèo lên lô-côt này. Đáng tiếc là vào năm 1993, lô-cốt bị phá bỏ vì những lý do về quy hoạch.

     
CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG ĐÔNG HÀ
     Đông Hà có vị trí chiến lược quan trọng nên Mỹ ngụy xây dựng thành cụm cứ điểm mạnh nhất chiến trường Trị - Thiên, với diện tích khoảng 10 km2. Địch bố trí ở đây 4 trận địa pháo 175 mm; 1 quân cảng rộng 4 ha, 2 sân bay quân sự Ái Tử và Đông Hà; 3 chi đoàn thiết giáp 147, 269, 312; 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến; lực lượng bộ binh có lúc địch huy động tương đương với 4 trung đoàn; 6 đại đội bảo an cùng với lực lượng mật vụ, cảnh sát, bình định nông thôn, dân vệ phối hợp… với hệ thống đồn bốt, hầm ngầm, căn cứ kiên cố, bố trí trên các vị trí trọng yếu từ ngã tư Sòng đến cầu Lai Phước. Cụm cứ điểm Đông Hà- Ái Tử - Quảng Trị là một trong những “lá chắn thép” “bất khả xâm phạm” của vùng I chiến thuật của quân ngụy Sài Gòn. 

     Năm 1972, Trung ương quyết định mở chiến dịch Trị- Thiên. Bộ Tư lệnh mặt trận được thành lập do đồng chí Lê Trọng Tấn- Thiếu tướng- Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN làm Tư lệnh; Trung tướng Lê Quang Đạo- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị- Bí thư Đảng ủy Mặt trận; Thượng tướng Văn Tiến Dũng- Ủy viên BCT, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN được cử làm đại diện Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
     Diễn biến chiến dịch: 11 giờ ngày 30/3/1972, đồng chí Lê Trọng Tấn hạ lệnh: "Bão táp I". 247 khẩu pháo các loại của các đơn vị pháo binh mở màn chiến dịch, đồng loạt bắn vào 19 căn cứ trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch.
     Ngay từ loạt đạn đầu, pháo ta bắn trúng hầu hết các trận địa pháo, các sở chỉ huy địch ở điểm cao 241, Mai Lộc, Miếu Bái Sơn, Quán Ngang, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu… Sau cuộc bắn phá của pháo binh dài 36 tiếng đồng hồ với gần 8.000 viên đạn các loại, các lực lượng binh chủng hợp thành gồm bộ binh, xe tăng xuất phát tiến công, đột phá trên hướng chủ yếu ở phía Tây và Tây bắc Quảng Trị, kết hợp với mũi thọc sâu bao vây ở phía Đông và mũi chia cắt chiến dịch ở phía Nam.

     Sau 5 ngày chiến đấu, đến ngày 04/4/1972, quân ta phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, diệt 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn trên đường 9, bức hàng trung đoàn 56 tại căn cứ cao điểm 241, đánh thiệt hại nặng trung đoàn 2 và lữ đoàn 147, giải phóng hoàn toàn 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ. Trưa ngày 04/4, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện tới Sở chỉ huy chiến dịch biểu dương quân và dân Quảng Trị đánh thắng trận đầu.
     Về phía địa phương Quảng Trị, quân và dân Quảng Trị bố trí phối hợp với các mũi tấn công của chiến dịch như sau:

      - Mũi 1 do đồng chí Lê Tiến Dũng - Phó Bí thư Thị ủy Quảng Hà và đồng chí Đậu Bá Hà - Thị đội trưởng chỉ huy Đại đội 14 bộ đội địa phương, đội biệt động số 2,3,4 và lực lượng du kích Cam Thanh, Cam Giang phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 36 của Sư đoàn 308 tập trung tiến công tiêu diệt các cứ điểm địch ở khu vực Đông Hà, ngã tư Sòng, đồn Lai Phước, cầu Đông Hà, Tịnh xá Ngọc Hà...; đồng thời, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.
      - Mũi 2 do đồng chí Hồ Ánh Ngân - Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy chỉ huy đại đội đặc công 12; đại đội biệt động Quảng- Hà; du kích Triệu Ái. Triệu Giang, Triệu Lương, Triệu Lễ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh vào Ái Tử, Triệu Ái, Triệu Giang.
     - Mũi 3 do đồng chí Nguyễn Xuân Quyết - Bí thư Thị ủy chỉ huy lực lượng 1 đại đội chủ lực, 1 đại đội an ninh vũ trang cùng du kích Triệu Thượng, Hải Lệ phối hợp với bộ đội chủ lực luồn sâu đánh vào thị xã Quảng Trị.

     Nhằm đối phó với đòn tấn công mạnh mẽ của quân và dân ta ở Quảng Trị, ngày 03/4, TT Nguyễn Văn Thiệu quyết định điều động gấp 5 trung đoàn, lữ đoàn, 3 thiết đoàn xe tăng thiết giáp từ Sài Gòn và Đà Nẵng ra Quảng Trị. Địch điều chỉnh thế phòng ngự thành ba cụm Đông Hà, Ái Tử, La Vang - Quảng Trị, lực lượng chủ yếu tập trung ở Đông Hà.
     15 giờ ngày 08/4, pháo binh thực hành kế hoạch hỏa lực "Bão táp 2". 2.713 viên đạn pháo giáng xuống căn cứ địch ở Đông Hà, Ái Tử. 5 giờ sáng ngày 09/4, Sư đoàn 304 tiến công cụm quân địch ở Ái Tử. Sư đoàn 324 đánh địch ở La Vang- Quảng Trị. Sư đoàn 308 được tăng cường Trung đoàn 48 (thay cho Trung đoàn 88 làm nhiệm vụ dự bị chiến dịch) và 2 đại đội xe tăng tiến công cụm quân địch ở Đông Hà- Lai Phước. Ngay từ tuyến giáp, địch chống trả quyết liệt. Quân ta đánh địch trong hành tiến, bị các trận địa có xe tăng địch dấu trong công sự ngăn chặn, 6 xe tăng T54 của ta bị bắn hỏng. Mũi tiến công của 308 vào căn cứ Đông Hà buộc phải dừng lại. Phía tây Ái Tử, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) giành giật quyết liệt với địch mới chiếm được căn cứ Phượng Hoàng. Hướng đông, 3 tiểu đoàn bộ binh, đặc công vượt sông Cửa Việt bị pháo hạm Mỹ bắn chặn. Tại Cửa Việt, Trung đoàn 126 hải quân chiếm được cảng nhưng cũng bị nhiều tổn thất.
     Lực lượng địch ở Đông Hà - Quảng Trị khá đông gồm sư đoàn 3 bộ binh (thiếu), 3 liên đoàn biệt động quân 1, 4, 5, lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ, 3 thiết đoàn 11, 17 và 20, được không quân, pháo binh yểm trợ ở mức cao. Đặc biệt, không quân và hải quân Mỹ hoạt động mạnh, vừa yểm trợ cho quân ngụy ở Quảng Trị, vừa tăng cường đánh phá hậu phương chiến dịch. Máy bay B52 oanh tạc rải thảm, khu trục hạm Mỹ pháo kích ác liệt các trận địa ta và tuyến vận chuyển chiến dịch từ sông Gianh, Lệ Thủy (Quảng Bình) vào mặt trận.
     5 giờ sáng ngày 27/4, ta mở đợt 2 chiến dịch, đợt quyết định chiến trường. Mục tiêu là tiêu diệt tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang - Quảng Trị, hỗ trợ cho nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy, giải phòng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, sau đó nắm thời cơ, phát triển tiến công địch ở Thừa Thiên- Huế.

     Đợt 2 chiến dịch đã diễn ra trong 6 ngày đêm, mở đầu bằng đòn hỏa lực “Bão táp 3”. Sư đoàn 308 được hỏa lực pháo binh chiến dịch chi viện, liên tục tiến công cụm quân địch ở Đông Hà - Lai Phước. Trong tiếng nổ của tiếng đạn pháo, xe tăng T54, pháo cao xạ 37, 57 trong đội hình binh chủng hợp thành của Sư đoàn yểm hộ bộ binh tiến công. 18 giờ ngày 28/4, thị xã Đông Hà được giải phóng. Ủy ban quân quản được thành lập, do đồng chí Nguyễn Hiền, Phó Chính ủy sư đoàn làm Chủ tịch, đồng chí Hồ Thị Bích La, Thị ủy viên.

     Hướng Ái Tử, cách Đông Hà 7km, Sư đoàn 304 được các cụm pháo Trung đoàn 45, 164, 38 chi viện phối hợp với quân dân Quảng Trị tấn công. 21 giờ ngày 30/4, bộ binh, xe tăng Sư đoàn 304 tràn vào sân bay Ái Tử. Đến 14 giờ ngày 1/5, quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ. Quân địch hoang mang rút chạy vào Thừa Thiên- Huế. Hơn 100 xe địch tập trung ở La Vang thượng. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 324(thiếu) cắt đường số I, pháo binh tập trung hỏa lực bắn vào La Vang thượng.
     Với sức tiến công như vũ bão của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, nhân dân Quảng Trị nổi dậy giành lại chính quyền ở khắp các thôn xã. 18 giờ ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, chiến sự trên mặt trận Quảng Trị diễn ra giằng co quyết liệt, quân và dân Quảng Trị còn phải đương đầu và vượt qua nhiều thử thách rất lớn suốt nửa cuối năm 1972 mà tiêu biểu là chiến Thành cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm đầy hy sinh gian khổ.

 
                                                           Bài và ảnh: Sưu tầm tư liệu lịch sử Quảng Trị

0 nhận xét :

Đăng nhận xét


IconIconIconIconFollow Me on Pinterest