GIỚI TUYẾN TẠM THỜI
SÔNG BẾN HẢI
SÔNG BẾN HẢI
Khách bộ hành ra Bắc vào Nam theo đường Quốc lộ 1A xin dừng chân ghé lại thăm di tích đôi bờ Hiền Lương, đó là cụm di tích cầu Hiền Lương- sông Bến Hải một thời là giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam Bắc. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng cho khát vọng hòa bình thống nhất của đồng bào hai miền Nam- Bắc.
Sông Bến Hải - Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ bắc
Sông Bến Hải bắt nguồn từ vùng rừng núi động Chan của dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây huyện Vĩnh Linh, hình thành từ những con khe, con suối ngoằn ngoèo chảy về xuôi, đoạn thượng nguồn có tên là Rào Thanh, chảy về đồng bằng theo hướng Tây- Đông đổ ra biển cửa Tùng. Về vị trí địa lý sông Bến Hải nằm ở vĩ tuyến 17 và là ranh giới của huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị.
Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, thời xa xưa sông Bến Hải có tên là Minh Lương, vì kị húy tên của Vua Minh Mạng nên đổi lại thành Bến Hói, (tiếng địa phương miền Trung gọi "rào" ở thượng nguồn và "hói" ở đồng bằng) để chỉ những dòng sông nhỏ và không biết thời nào dòng sông này lại được gọi chệch đi là sông Bến Hải cho đến ngày nay. Cũng như vậy, địa danh tổng Minh Linh (tên hành chính vùng Vĩnh Linh và Gio Linh ngày xưa) cũng được đổi thành huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh bây giờ.
Sông Bến Hải- Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Nam